THƯ MỤC SÁCH THAM KHẢO
CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC TRONG NHÀ TRƯỜNG
I. LỜI NÓI ĐẦU
Văn, hay văn học, là môn học đặc biệt gắn bó với mỗi học sinh chúng ta. Ngay khi bắt đầu đi học, mới còn tập đọc, tập ghép vần, chúng ta đã được làm quen với những câu văn, câu thơ đơn giản mà khiến ta nhớ mãi, rút ra từ các tác phẩm văn học. Lên các lớp trên, chúng ta học đến những trào lưu và thể loại, phong cách và đặc trưng, hay những thứ thuộc về văn học sử, như tác gia văn học, giai đoạn văn học, kể cả các nền văn học khác trên thế giới. Thậm chí sau khi đã tốt nghiệp, ra trường, vào đời, nhiều người chúng ta vẫn tiếp tục tìm hiểu về văn chương, chữ nghĩa để làm phong phú thêm cho cuộc sống tinh thần của mình, tu dưỡng tâm hồn, tình cảm của mình để cân bằng với những áp lực của cuộc sống hằng ngày… có thể nói, chúng ta học văn suốt đời.
Nhưng khác với nhiều môn, văn học không có các công thức có tính bất biến như toán, không có các định lí có tính phổ quát như lí, cũng không có các học thuyết có tính quy luật như sinh… Văn học, khác với tất cả, không có một chìa khóa chung nào để giải mã tất cả các tác phẩm, không có một đáp án duy nhất nào để hiểu đúng về một bài thơ hay một truyện ngắn. Văn học là phạm trù của cái riêng - cái gọi là cá tính sáng tạo của tác giả với tác phẩm của mình, cái làm nên nét đặc sắc riêng của chính tác phẩm ấy.
Cũng từ mỗi tác phẩm ấy, chúng ta được tiếp cận, được mở mang những cái hay, cái đẹp qua lời bình chú của các chuyên gia văn học từng dày công nghiên cứu tác phẩm, chúng ta sẽ ngộ ra một điều then chốt: văn học có tính tất yếu của nó, đó là tuân theo cái đẹp và mang tính nhân văn. Đó cũng là hai tiêu chí chung nhất của các tác phẩm trong thư mục mà chúng tôi giới thiệu lần này.
NGƯỜI BIÊN SOẠN
Nguyễn Thị Nga
II. NỘI DUNG
1. NAM CAO. Sống mòn/ Nam Cao .- Hà Nội .: Văn học , 2016 .- 303tr ; 18cm
Sống mòn viết xong năm 1944, xuất bản năm 1956 ban đầu với tên gọi Chết mòn (Nhà xuất bản Văn nghệ). Nội dung của tác phẩm nói lên bi kịch của người trí thức tiểu tư sản trong xã hội cũ, cái xã hội tàn nhẫn đã vùi dập mọi ước mơ, hoài bão của mình, tước đi ý nghĩa sự sống chân chính của con người.
Tác phẩm với những suy nghĩ, trăn trở về cách sống, mục đích cuộc sống, trong niềm xót xa dằn vặt khôn nguôi, trong thái độ cưỡng lại và giọng điệu phê phán trước những điều tồi tệ, nhỏ nhen, tha hóa của nhân cách, và lòng khát khao sự đổi thay cuộc sống nhọc nhằn, không xứng đáng bằng một cuộc đời rộng rãi và đẹp đẽ hơn, nhân bản hơn - tức là những vấn đề thiết cốt cho sự sống con người trong bất cứ xã hội nào.
SĐKCB: SDC-00723
2.VŨ TRỌNG PHỤNG. Giông tố/ Vũ Trọng Phụng .- Hà Nội .: Văn học , 2016 .- 363tr ; 18cm
Giông tố, một áng văn đại diện cho rất nhiều tư tưởng tiến bộ và thái độ phê phán của nhà tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Trước cuộc sống đảo điên dưới thời thực dân Pháp, người dân chỉ biết cười, rồi lại khóc cho tấn bi hài kịch cứ đan xen nối tiếp nhau không ngừng.
Đúng với tinh thần tác phẩm, Giông tố đã lật tẩy hết thứ mặt nạ đắp điếm lên cái bản chất bất công, đểu giả, thối nát và hết sức vô nghĩa của một xã hội mà đồng tiền có thể chi phối được tất cả.
SĐKCB: SDC-00717
3. VŨ TRỌNG PHỤNG. Số đỏ/ Vũ Trọng Phụng .- Hà Nội .: Văn học , 2016 .- 255tr ; 18cm
Hai mươi chương sách là hai mươi bước từ tầng lớp hạ lưu đến tầng lớp quý phái, sang trọng, cuộc đời Xuân toàn là những may mắn, một chuỗi may mắn được số phận sắp đặt một cách ngẫu nhiên dựa trên ham muốn lợi ích của những kẻ ăn trên ngồi trốc trong xã hội. Hai mươi chương sách cũng là hai mươi mảnh ghép hoàn hảo để tạo nên một bức tranh phê phán hiện thực xã hội thời bấy giờ: rởm đời, lố lăng, háo danh, trơ trẽn, hãnh tiến, nơi mà giới hạn đạo đức và các giá trị tốt đẹp của truyền thống và nhân phẩm con người bị đẩy ra ngoài rìa để dành chỗ cho những dục vọng, ham muốn, tham lam của con người.
SĐKCB: SDC-00718
4. NGÔ TẤT TỐ. Tắt đèn/ Ngô Tất Tố .- Hà Nội .: Văn học , 2016 .- 223tr ; 21cm
Tắt đèn là một trong những tác phẩm văn học tiêu biểu nhất của nhà văn Ngô Tất Tố (tiểu thuyết, in trên báo Việt nữ năm 1937).[1] Đây là một tác phẩm văn học hiện thực phê phán với nội dung nói về cuộc sống khốn khổ của tầng lớp nông dân Việt Nam đầu thế kỉ XX dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.
Tắt đèn gồm 26 chương, trong đó chương XVIII của tác phẩm là 1 trong những tác phẩm được học trong chương trình Ngữ văn 8 tập 1 do Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam phát hành với tựa đề "Tức nước vỡ bờ". (chương trình giáo dục cũ)
SĐKCB: STN-00382
5. NGÔ TẤT TỐ. Lều chõng/ Ngô Tất Tố .- Hà Nội .: Văn học , 2016 .- 367tr ; 18cm
Lều chõng là một tiểu thuyết phóng sự của nhà văn Ngô Tất Tố, ra mắt độc giả lần đầu ngày 10 tháng 3 năm 1939 tại Hà Nội.
Truyện đề cập việc ngày xưa, khi đi thi, thí sinh lại phải mang theo lều, chõng, thức ăn, lặn lội xa xôi lên kinh thành. Thầy khoá Đào Vân Hạc đỗ Giải nguyên sau kì thi trước đáng lẽ được làm Giải nguyên nhưng vì trẻ tuổi nên phải đợi khoa sau. Hạc đỗ Hội nguyên nhưng vì phạm húy trong kì thi Đình nên bị giam hai ngày và bị truất khoa cử. Tác giả Ngô Tất Tố viết truyện này để nói lên những oái ăm của các kỳ thi này và nêu lên sự sụp đổ tinh thần của những nho sĩ suốt đời lấy khoa cử làm con đường tiến thân nhưng lại bị hoàn toàn thất vọng. Lều chõng được đăng trên báo Thời Vụ năm 1939 và được in sách vào năm 1941.
SĐKCB: SDC-00720
6. MA VĂN KHÁNG. Đồng bạc trắng hoa xòe / Ma văn Kháng .- Hưng Yên .: Văn học , 2017 .- 590tr ; 21cm
Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe được xem là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Ma Văn Kháng, viết về lịch sử Lào Cai từ năm 1945 đến cuối năm 1947, khi giặc Pháp trở lại xâm chiếm vùng đất này. Cuốn sách xoay quanh câu chuyện về một số cán bộ cách mạng thực hiện cuộc viễn hành quả cảm và lãng mạn đến các thổ ty miền Đông của tỉnh, đem tiếng nói của cách mạng đến với bà con các dân tộc đang trong vòng tù ngục của chế độ thổ ty cha truyền con nối. Mục đích của những người cách mạng là đập tan bè lũ phản động Việt gian Quốc dân Đảng, thiết lập chính quyền cách mạng, gấp rút chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Cuốn sách được viết năm 1970, sau rất nhiều năm tháng tác giả làm việc, sống và gắn bó với thiên nhiên và con người Tây Bắc.
SĐKCB: SDC-00713
7. VÕ QUẢNG. Quê nội/ Võ quảng .- Hà Nội .: Kim Đồng , 2019 .- 392tr ; 21cm
Nội dung của truyện được chia làm 2 phần chính: Phần 1 gồm 12 chương và phần 2 gồm 9 chương.
Quê nội là tác phẩm viết cho thiếu nhi. Nó không hướng đến kết cấu phức tạp của một tiểu thuyết. Chung qui lại đó chỉ là câu chuyện về cậu bé Cục và Cù Lao đang “đang lớn lên trong mùa cách mạng”, đang hăm hở, sốt ruột muốn trở thành người lớn, muốn được giao những việc quan trọng trong khi chưa kịp từ giã hết tuổi thơ tinh nghịch và trong trẻo. Với một ngôn ngữ sống động, cuốn sách đã tái hiện một giai đoạn lịch sử quan trọng trên quê hương Quảng Nam- Giai đoạn những người chân đất dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng lên xoá bỏ ách đô hộ của thực dân, phong kiến, làm chủ đời mình, ghé vai gánh vác công việc quốc gia và đi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ 2 với niềm tin tất thắng.
SĐKCB: STN – 00626
8. NGUYỄN NHẬT ÁNH. Tôi là BêTô/ Nguyễn Nhật Ánh .- TP. Hồ Chí Minh .: Trẻ , 2019 .- 229tr ; 20cm
Cuốn sách Tôi là Bêtô là tác phẩm ra mắt vào năm 2007, từng được độc giả báo Người Lao Động bình chọn là cuốn sách hay nhất năm 2007, Giải thưởng văn học năm 2008 của Hội nhà văn TP.HCM và là tác phẩm thứ hai của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được dịch sang tiếng Hàn Quốc sau tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Tác phẩm xoay quanh cuộc sống thường ngày bình dị qua ánh nhìn “tự sự” ngây ngô và trong sáng của chú chó tên Bêtô - do chị Ni đặt theo một cầu thủ người Brazil mà chị rất hâm mộ. Bê tô là chú chó hiếu động, tinh nghịch, rất thích khám phá mọi thứ xung quanh hệt một đứa trẻ. Qua ánh nhìn của Bêtô về con người, về cuộc sống ta thấy mình được hòa vào những tình huống rất đỗi quen thuộc và bình dị, đôi khi ta bắt gặp chính những khoảnh khắc bé thơ mà mình đã trải qua và học được những bài học giản đơn mà vô cùng sâu sắc.
SĐKCB: STN-00620
9. TÔ HOÀI. Truyện Tây Bắc / Tô Hoài .- Hà Nội .: Kim Đồng , 2020 .- 226tr ; 19cm
Với tập Truyện Tây Bắc, Tô Hoài đã khắc họa một cách chân thật, sinh động những nỗi đau thương, khổ nhục của người dân miền núi dưới ách áp bức nặng nề của thực dân phong kiến.
Đồng thời từ đó, ông ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người dân tộc thiểu số miền núi, cũng như lý giải thành công về con đường tất yếu họ phải tìm đến để thoát khỏi cuộc sống bị đọa đày áp bức.
Tập sách gồm có ba truyện: Mường Giơn, Cứu đất cứu mường, Vợ chồng A Phủ. Năm 2020, tập sách Truyện Tây Bắc của Tô Hoài tiếp tục được tái bản nhằm giúp học sinh hiểu biết về giá trị của văn học Việt Nam, đồng thời cũng là cơ hội để người đọc tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo về con người và vùng đất Tây Bắc.
SĐKCB: STN-00627